Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

Lifeline Tran với bài thơ KHÔNG ĐỀ của Minh Hien


KHÔNG ĐỀ


Nàng thơ đã bỏ đi rồi

Tương tư nặng khúc đứng ngồi bâng khuâng



Tình thủa đó lâng lâng sớm tối
Em lặng thầm bối rối yêu anh
Lựa lời thả yến cùng oanh
Cho vơi nỗi nhớ cho thành bài thơ

Tình đang đẹp đâu ngờ tan mất
Em nợ anh chất ngất ân tình
Biết rằng anh vẫn giận mình
Cho nên chối bỏ cả tình nghĩa xưa

Tình chỉ mới đang vừa chớm nở
Người đã đi để lỡ cung đàn
Hai đầu nỗi nhớ chứa chan
Cho sầu hoen mắt lệ tràn bờ mi

Tình cho đi không cần đáp lại
Ôi tình yêu khờ dại thương đau
Mấy ai quên được tình đầu
Cho dù đến mãi ngàn sau cuộc đời

Minh Hien 

************
LỜI BÌNH


Trong không khí náo nức đón chào ngày kỷ niệm 40 năm giải phóng Miền Nam của hàng triệu người, hàng triệu trái tim Việt Nam có không ít những con người đang hoài niệm, đang nhớ lại những ngày tháng đã qua, những ngày tháng hào hùng xen lẫn đau thương và mất mát của dân tộc mình. Để từ đó cảm thấy yêu quí hơn cuộc sống ấm áp và yên lành mà tất cả chúng ta đều đang sở hữu.

Riêng tôi, trong những giờ phút này tôi lại có thêm những hoài niệm của riêng mình, riêng nhưng không lạ. Không lạ vì nó cũng thường gặp, nó cũng là một phần tất yếu của cuộc đời của mỗi con người. Là tất yếu vì ai rồi cũng sẽ trải qua, chỉ là khác nhau về mức độ, thời gian và cách thức mà thôi. Đó chính là sự hoài niệm về mối tình đầu, về những yêu thương chớm nở đầu đời. 

Đôi khi con người ta làm một việc gì đó cũng cần có cái khơi lên, gợi lên mà nôm na có thể gọi là động cơ. Động cơ thì rất hữu ích cho những người lười như tôi, nó tạo thêm nguồn động lực, như một lực đẩy để ta tiến về phía trước, về phía mà ta còn đang ngần ngại, e dè. Khi tôi tình cờ đọc lại bài thơ "KHÔNG ĐỀ" của tác giả Minh Hien, tôi dường như đã tìm thấy cái động cơ để mà hoài niệm, để mà đồng điệu với tác giả.


Bài thơ với thể thơ song thất lục bát gồm 5 đoạn, mà nói đúng hơn là bốn đoạn rưỡi. Khác với những bài song thất lục bát khác mà tôi đã đọc, bài thơ này hơi phá cách một tí, nói là phá cách vì tác giả đã chọn mở đầu không phải bằng 2 câu thất mà lại bằng 2 câu lục bát, có lẽ nào ngay lúc đó tác giả cũng đang trong dòng suy nghĩ miên man, đang bâng khuâng trước những hoài niệm về những tháng ngày đã qua mà lại quên đi mất mình đang viết thể loại song thất lục bát không nữa!?


"Nàng thơ đã bỏ đi rồi

Tương tư nặng khúc đứng ngồi bâng khuâng"

Những ai đã từng làm thơ, đã từng đưa những nghĩ suy, những cảm xúc của mình vào thơ, để thơ sẽ là tiếng lòng, sẽ thay lời muốn nói... sẽ cảm nhận được ngay rằng tác giả là người hay viết thơ, thường sử dụng thơ như một phương tiện truyền tải nỗi niềm riêng của chính mình và thơ như là một người bạn thân thiết, được gọi tên rất thân thương. Nhưng, ngay tại thời điểm ấy "người bạn" ấy cũng đã bỏ tác giả mà ra đi, có lẽ nào trước những nỗi niềm quá lớn con người ta sẽ khó mà tìm được một người bạn để mà đồng cảm, để mà sẻ chia chăng?

"Tình thủa đó lâng lâng sớm tối

Em lặng thầm bối rối yêu anh

Lựa lời thả yến cùng oanh

Cho vơi nỗi nhớ cho thành bài thơ"


Rõ ràng, qua đoạn song thất lục bát tiếp theo này, người đọc đã phần nào hiểu được, cảm được cái nỗi niềm mà tác giả đang mang, đang tìm người thấu hiểu. Cái nỗi niềm ấy chính là sự nuối tiếc về một cuộc tình đẹp, về tháng ngày "lâng lâng" mộng mị, tràn ngập niềm vui và tiếng cười. "Lâng lâng" là tính từ dùng để mô tả một trạng thái nhẹ nhõm, khoan khoái, rất dễ chịu của chủ thể trước một hoàn cảnh nhất định nhưng rất đặc biệt nào đấy. Tôi đánh giá rất cao từ láy này, nó không những là vần để khớp với chữ cuối của câu 8 chữ phía trên mà còn là chữ với số từ ít nhất mang lại sự liên tưởng nhiều nhất. Chỉ 2 tiếng "lâng lâng" thôi cũng đủ gợi lên cho người đọc một sự rạo rực khó tả khi chiêm nghiệm về tình cảm được đề cập trong bài thơ. Trong những thời khắc đẹp đẽ ấy, giữa cái mênh mông của đất trời, bên triền hoa thơm và đượm nắng ấy, em đã "chịu không nổi" nên đã lặng thầm "bối rối" để yêu anh. Không cần phải quá khó khăn để chạm đến cái mà mình ưng, em không cần phải ngược đường ngược nắng để yêu anh, cũng chẳng cần phải ngược phố tan tầm, ngược chiều gió thổi hay phải vượt suối trèo non, băng rừng vượt biển em chỉ cần thả lỏng lòng mình, hòa nhịp thở, nhịp đập của trái tim vào khung cảnh êm đềm và nên thơ ấy là có được cái em cần, cái em muốn. Một tình yêu đẹp đã chớm nở từ đó, trong hoàn cảnh và bối cảnh như thế. Liệu rằng trong cái hân hoan ấy có ẩn chứa điều gì là xa xót, là duyên phận, là trái ngang hay không ta hãy cũng đọc tiếp đoạn tiếp theo:

"Tình đang đẹp đâu ngờ tan mất

Em nợ anh chất ngất ân tình

Biết rằng anh vẫn giận mình

Cho nên chối bỏ cả tình nghĩa xưa"


Thấy chưa, Lifeline Tran tuyên đoán có sai đâu. "Tình đang đẹp đâu ngờ tan mất" cứ ngỡ rằng tình sẽ kết đôi, nên lòng hẫng hụt mà thôi, nghe bao tiếc nuối bồi hồi lệ rưng. Phàm con người ta khi đã mơ ước thì sẽ mơ ước rất nhiều. Cũng đúng thôi, giấc mơ mà, nó là những thứ mà con người ta được quyền xa xỉ, trong cái xa xỉ ấy chẳng phải tốn tiền, nên chẳng có cớ gì để mà tiết kiệm cả. Và, chính tác giả cũng đang xa xỉ với giấc mơ hoàn hảo ấy, trong cái hoàn hảo thì làm sao mà nhận ra được những nguy cơ đang rình rập để mà lên phương án phòng bị được. Thói thường, con người ta không chết vì những cái lớn lao mà lại chết vì chủ quan. Có lẽ nào giấc mộng hoàn hảo ấy đã ru người vào lãng quên, để mắt mờ đến nỗi không còn phân định được đâu là giới hạn, đâu là ranh giới giữa mất-còn, hoặc giả là đã rõ mà cố tình như không hề có cuộc chia ly chăng? "Em nợ anh chất ngất ân tình" có lẽ nào là như vậy? Em yêu anh bằng tất cả những gì có thể, em yêu anh đến lúc anh đã rời xa em, bỏ mặc em, bỏ mặc ghế đá, bỏ mặc hàng cây... em vẫn thấy mình dành cho anh dường như vẫn còn chưa đủ, dường như vẫn còn là người mang nợ ân tình. Một tình cảm quá đẹp, quá thiêng liêng đến là như vậy. Vậy, rốt cuộc rồi ai nợ ai? Cái mà em đang nợ em cũng đã cố trả rồi đó, nhưng với cách trả nợ này không khéo anh lại là người nợ lại em đó thôi? Dẫu là mơ hồ, dẫu là lãng đãng nhưng thực tế vẫn là thực tế, những gì đã được định trước thì dường như khó mà thay đổi được, điều này có đúng hay không xin mọi người hãy trở lại sân khấu sau những phút quảng cáo vừa qua. Để thấy rằng quảng cáo đôi khi vẫn cần thiết, nhất là giữa cuộc đời luôn bề bộn những suy tư, những trăn trở, những điều luôn cố tình chi phối cuộc đời ta. Và đây...

"Tình chỉ mới đang vừa chớm nở

Người đã đi để lỡ cung đàn

Hai đầu nỗi nhớ chứa chan

Cho sầu hoen mắt lệ tràn bờ mi"


Trong một đời người, khi buộc phải va chạm với những nỗi đau, con người ta dầu sớm hay muộn cũng phải công nhận rằng sẽ không có niềm đau nào giống niềm đau nào. Có cái gì đó luôn khác lạ giữa những cái được mang cái tên là "BUỒN" ấy. Buồn như ly rượu đầy mà không có ai cùng cạn hoàn toàn khác với buồn khi ly rượu đã cạn mà không còn giọt rượu nào để say. Có buồn không khi tiếng yêu chưa kịp bắt đầu đã vội chuyển mình để ướm sang một sắc thái đầy u ám khi khoác lên mình chiếc áo chia ly pha lẫn tiếng nấc nghẹn ngào của những lời tiếc thương đầy tang tóc nhỉ? Thì đây là câu trả lời: "Người đã đi để lỡ CUNG ĐÀN". Câu thơ 7 chữ với biết bao hàm ý dù rằng với cách thức diễn đạt rất đơn giản và nhẹ nhàng, nhẹ nhàng nhưng đầy tinh tế. Cái tinh tế ấy Lifeline Tran cảm được là vì nó đã chạm đến cái xúc cảm mà Lifeline Tran đã cố quên trong 20 năm qua. Nó tinh tế vì nó đã khơi lên nỗi nhớ về những dòng thơ trong bài thơ "NGỠ" mà Lifeline Tran đã làm vào năm 1995:

...

Ta hứa yêu, yêu mãi đến nghìn thu

Đến hôm nay, nghìn thu vẫn còn đó

Duy chỉ có lời thề xưa vụt mất
Ta đớn đau trong những giọt nước trào
Ta ngất lịm trong bóng tối đầy u mê


Người ra đi để vần thơ thay đổi

Từ ngọt ngào sang cay đắng đau thương

Người ra đi để lỡ một CUNG ĐÀN

Ta và người đang hòa khúc tình ca

Người ra đi để tình ta tan vỡ
Mối tình đầu và ngỡ như thiên thu
...

Nếu như có một không gian nào đủ lớn để có thể chứa được "NỖI NHỚ" thì chúng ta sẽ cảm được cái lớn vô cùng của cái vô hình ấy. Và khi ấy, ta mới cảm hết được cái bắt đầu và cái kết thúc của NỖI NHỚ là ở đâu. Vậy thì, dù mơ hồ, nhưng trong cái mơ hồ đó nếu ta chịu khó hình dung, chịu khó tưởng tượng ta vẫn có thể chạm đến được "Hai đầu nỗi nhớ". Nhưng, nhớ để làm gì và nhớ để làm chi khi những nghẹn ngào đang khỏa lấy tâm hồn ta. Sẽ được gì khi ta hoài nhung nhớ, khi ta hoài tiếc thương khi tình không cánh mà bay, không chân mà chạy, không hình mà tan? Ừ nhỉ, dẫu biết rằng "sầu hoen mắt" và "lệ tràn bờ mi" mà sao ta vẫn cố chấp đến như vậy? Phải chăng trong sâu thẳm tiềm thức của mình ta cần được chạm đến các cung bậc khác nhau của tình yêu, ta cần phải nếm trải cho đủ các vị đắng-cay-ngọt-bùi ta mới thỏa lòng chăng? Có quá nhiều câu hỏi được đặt ra trong suốt các dòng cảm nhận ở trên. Nhưng xin bạn (là những người đang đọc những dòng chữ này) đừng bận lòng vì điều đó, cũng đừng trăn trở hay tìm cách trả lời cho bằng được những câu hỏi ấy. Vì sao? Vì nó không quan trọng bằng việc bạn sắp làm. Bạn sẽ hỏi Lifeline Tran: "việc tôi nên làm và sắp làm là gì vậy?". Thì câu trả lời là đây: "bạn hãy cùng Lifeline Tran đọc cho hết cái đoạn kết của bài thơ này". Và đây là đoạn kết:


"Tình cho đi không cần đáp lại

Ôi tình yêu khờ dại thương đau

Mấy ai quên được tình đầu

Cho dù đến mãi ngàn sau cuộc đời"


Cũng giống như Xuân Diệu phải chấp nhận luật chơi khi tham gia vào trò chơi tình ái. Một khi ta đã chấp nhận tham gia thì ta phải chấp nhận những luật chơi rất riêng và khó dung nạp ấy. Tác giả Minh Hien cũng không là ngoại lệ. Phàm cái gì khó, cái gì càng ngăn cản thì lại càng thôi thúc con người ta phải chạm đến cho bằng được. Chính cái khát vọng, cái mong chạm đến những điều bị ngăn cản, những điều thách thức lại là nền tảng cho sự tồn tại và phát triển của thế giới này. Điều này đôi lúc sẽ trở nên thật khó hiểu khi không được diễn giải một cách đầy đủ bằng thứ ngôn từ thật đơn giản. Thôi thì ta hãy cùng nhau hiểu một cách nôm na về cái điều ấy, điều mà ai cũng hoài trăn trở dù cho đáp án đã rõ rồi. Đó chính là: không phải ta cứ yêu thật nhiều, cho đi tất cả rồi ta sẽ nhận lãnh những điều xứng đáng mà đáng lý ra ta phải được thụ hưởng như cái quan niệm NHÂN QUẢ của Đức Phật. Đau là vậy, xót là vậy. Mà cũng phải thôi, vì lẽ cuộc sống này luôn tồn tại những nghịch lý như một tất yếu mà nó phải tồn tại, nó như là những hằng đẳng thức mà học sinh khi đến lớp phải thuộc lòng khi còn ngồi trên ghế nhà trường ở những bậc cấp 2 trước khi bước vào ngưỡng cửa cấp 3. Nói thế thôi, chứ vẫn chưa chắc lắm khi phải buộc người khác nghĩ theo suy nghĩ của riêng mình. Nhất là trong cái kết mà chẳng có chút nào có hậu như trong những bộ phim dài tập, ướt át được đo lường bằng những giọt nước mắt của khán giả. Nhưng thực tế là điều mà con người ta khó chối cãi nhất, vậy thực tế của vấn đề là gì? Là cái đôi khi chỉ có một chiều. Trong chiều thuận ấy, con người ta hoàn toàn tự do, hoàn toàn quyết định cách thức mà mình tiếp cận với vấn đề, tiếp cận với đối phương. Bạn có quyền yêu bao nhiêu cũng được, cho nhiều và thật nhiều cũng được. Điều đó tùy thuộc vào bạn, tùy vào những rung cảm của trái tim bạn. Nhưng, ở chiều ngược lại bạn không có quyền đòi hỏi lại những gì bạn đã cho đi. Vì sao ư? Vì đâu đó trên trái đất này sẽ có lúc bạn nợ lại ân tình của người khác - người mà đã dành cho bạn tất cả tin yêu và lẽ sống nhưng hoàn toàn không được đền đáp lại từ bạn. Trong hoàn cảnh ấy, bạn không sai, cũng giống như cuộc tình mà bạn đang dâng hiến, đang ấp ủ những nồng hoan ấy, nhưng vô hình bạn đã tạo ra cái NỢ rồi đấy. Để từ đây, ta phải công nhận rằng luật NHÂN QUẢ không hề sai. Có chăng bạn mang nợ người này rồi sẽ phải trả lại cái nợ ấy cho người khác mà thôi. Và đó cũng chính là một trong những đặc điểm khá thú vị khi nói về luật NHÂN QUẢ.


Lifeline Tran xin phép tạm xếp lại những mạn đàm về luật NHÂN QUẢ ấy để chia sẻ cái cảm nhận của riêng mình khi đọc đoạn song thất lục bát cuối cùng của bài thơ "KHÔNG ĐỀ" mà tác giả Minh Hien đã chia sẻ. Đọc đoạn này, Lifeline Tran có 3 điều bỗng dưng muốn khóc... í lộn, 3 điều bỗng dưng muốn nói. Điều đầu tiên, đó là có một cái gì đó về mặt tư tưởng của tác giả Minh Hien khá trùng lắp với bậc thầy thơ tình Xuân Diệu dù cho 2 người chưa từng gặp gỡ nhau bao giờ. Người ta thường nói "tư tưởng lớn gặp nhau", lẽ nào là như vậy. Khi ta đọc những dòng thơ của bài thơ "YÊU" của Xuân Diệu ta sẽ thấy những đồng điệu ấy:

"Yêu, là chết ở trong lòng một ít, 

Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu? 

Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu: 

Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết."


Cũng một thể ấy, đối với nhân vật chính trong bài thơ của mình, Minh Hien đã bày tỏ rất rõ ràng quan điểm ấy: "Tình cho đi không cần đáp lại". Như một người đã am tường về luật chơi và cách chơi, nhân vật chính này dường như thấu hiểu trước cái giá mà mình sẽ phải trả khi chấp nhận tham gia cuộc chơi, tức là chấp nhận bước vào đường yêu. Mà vào đường yêu thì trăm ngàn đau khổ đang giăng giăng chào đón. Và tiếp theo, ta thấy cái gì đến thì nó phải đến: "Ôi tình yêu khờ dại thương đau". Đây như là một tiếng thốt lên từ trong tâm khảm, nghe như thảng thốt nhưng lại rất điềm tỉnh. Điềm tĩnh để kiểm soát đau thương hay điềm tĩnh để đừng có những hành vi sai lầm sau lần gặp cuối ấy? Cái nào cũng được, vì nó luôn có lợi, nó sẽ giúp cho con người biết chấp nhận, biết sống tiếp khi dũng cảm đối mặt với những đau thương. Dẫu đau thương nhưng ta vẫn chấp nhận, dẫu dại khờ nhưng ta vẫn muốn yêu. Rồi năm tháng qua đi, không ít người trong chúng ta vẫn luôn tôn thờ, vẫn luôn "sống" với tình đã "chết" ấy.

Điều thứ hai, đó là cái triết lý trong tình yêu, triết lý khi nói về mối tình đầu. Hay đơn giản hơn, là một trong những đặc điểm quan trọng khi nói đến tình đầu đó chính là độ mãnh liệt và khó nguôi ngoai của nó. Tác giả Minh Hien đã thật sự thành công khi lồng ghép cái triết lý cơ bản và nền tảng ấy vào thơ của mình: "Mấy ai quên được tình đầu. Cho dù đến mãi ngàn sau cuộc đời". Thật tuyệt vời phải không nào? Đưa triết lý vào thơ là một điều khó. Mà tác giả đã rất nhẹ nhàng, rất tinh tế khi chuyển tải thông điệp trên chất liệu lục bát thật mượt mà này. Thay cho lời kết, tác giả đã dùng cái chắc chắn được rút ra từ chân lý cũng chính là lời chứng cho những gì đã trải qua và cũng chính là lời an ủi, động viên cho những ai đã và đang hoặc sẽ chạm đến cái được gọi là mối tình đầu.

Điều thứ ba, cũng là điều cuối cùng mà Lifeline Tran muốn chia sẻ. Đó là sẽ thật thiếu sót khi ta không nhắc đến cái cảm nghĩ, cái yêu thương, cái nếm trải của người nam mà đã chung bước tình đầu với nhân vật nữ chính trong bài thơ. Anh ấy có thật sự hạnh phúc, thật sự vui vẻ, thật sự hài lòng khi xa người con gái ấy hay không? Bạn đang tìm câu trả lời phải không nè? Trong lúc bạn đang cố suy đoán xem người nam ấy thế nào thì Lifeline Tran cũng xin gợi ý một vài điều mà Lifeline Tran đã tự nghĩ ra qua bài thơ song thất lục bát NGUYÊN VẬN với bài thơ của tác giả Minh Hien, cũng là bốn đoạn rưỡi trùng khít với những từ cuối của mỗi câu giống hệt như bài "KHÔNG ĐỀ". Hãy xem đây như là một món quà nhỏ mà Lifeline Tran dành cho bạn thay lời cám ơn khi bạn đã bỏ thời gian ra để đọc tới đây, cũng là lời đồng cảm và cám ơn đến tác giả Minh Hien đã mang đến cho chúng ta một bài thơ rất hay, rất sâu lắng, và... nó cũng là lời kết của bài bình, bài cảm nhận của Lifeline Tran:


TÌNH ĐẦU

Tình xưa đã vỡ tan rồi

Thì xin em chớ bồi hồi bâng khuâng

Thương chi nữa nguyền ân vụt tối

Tiếc làm gì để nhói lòng anh

Còn đâu một thuở yến oanh

Sánh vai ta bước ôm nhành ái thơ


Sầu lẻ bóng, thẫn thờ được mất

Bước quạnh hiu lạnh ngắt hương tình

Xa người xa xót phận mình

Quặn đau ngày tháng vọng hình bóng xưa


Tay cầm mảnh duyên thừa nức nở

Đắng lòng anh ngày lỡ cung đàn

Xa rồi ngày tháng quyện chan

Nghìn thu lệ đẫm ướt tràn vành mi


Dòng kỷ niệm ôm ghì anh lại

Thoáng ngọt ngào... hoang hoải... lịm đau

Ai ơi một thuở mộng đầu

Ngàn năm trăn trở hằn sâu tim-đời


29/4/2015



Tác giả: Lifeline Tran

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét