Thứ Tư, 25 tháng 1, 2017

XUÂN HỒNG

XUÂN HỒNG
(NĐT, bát điệp, giao cổ đối)

Vũ điệu Xuân tình đắm tuổi xanh
Kìa Xuân giận dỗi cớ sao đành
Nàng Xuân vội ngất ngây đào nở
Yểu điệu Xuân về lũ én nhanh
Để mỗi mùa Xuân chờ thắm nụ
Còn bao giọt nắng ủ Xuân nhành
Xuân thì chín rộ ươm mầm quả
Độc ẩm Xuân này nghĩ đến anh

Minh Hien

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

SỰ TÍCH TÁO QUÂN

Mỗi năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp ( tết ông Công ông Táo ) các gia đình lại chuẩn bị sắm đồ lễ để tiễn ông Táo về trời tâu với Ngọc Hoàng những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian. Vì sao có tục lệ này, chúng ta cùng ôn lại Sự tích Ông Công Ông Táo để hiểu rõ hơn về nét truyền thống trong tín ngưỡng của người dân Việt

SỰ TÍCH TÁO QUÂN
(nđt)

Chuyện kể trần gian đến cõi trời 
Đôi chồng vợ trẻ cúng ngàn nơi
Buồn con chẳng có làm đau cội
Tủi phận nhà không chót lỡ lời 
Bỏ nghĩa tào khang dần cứ vợi
Trao tình tuế nguyệt dễ gì lơi
Đau lòng nghĩ lại tìm muôn lối
Gặp gỡ người xưa cảnh đón mời

Gặp gỡ người xưa cảnh đón mời
Lưng chừng vạt áo cũng đà lơi
Làm sao lại đến thân tàn phổi
Để mãi thành ra tiếng nghẹn lời
Trở bước sông dài muôn vạn nỗi
Quay đầu vực thẳm khắp từng nơi
Gieo mình nguyện chết thề không đổi
Cảm động thần linh đến cõi trời

Minh Hien 

*
Chuyện kể lại rằng:

Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.

Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.

Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.

Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.

Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng Đế. Thượng Đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân, nhưng mỗi người giữ một việc:
Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân

Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần

Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.

Từ đó, ba vị Thần Táo được coi là 3 vị thần định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Bài vị thờ vua Bếp thường được ghi vắn tắt là "Định Phúc táo Quân" nghĩa là thần định mọi sự hạnh phúc.

(sưu tầm)