Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Minh Hien với bài thơ PHIÊU LÃNG của tác giả Jang Julo

Lời bình: Minh Hien

Tác phẩm: PHIÊU LÃNG

Tác giả: Giang Đức Ngô (Jang Julo)
****************************************
*
PHIÊU LÃNG

Ta trèo lên đỉnh ngọn non cao
Đưa mắt nhìn theo gió thét gào
Một dải trăng vàng hờ hững rọi
Đôi tầng mây xám nhẹ nhành trao
Xa xa bóng nước khơi làn sóng
Lấp lánh con thuyền hứng ánh sao
Tiếng suối ngàn reo khe khẽ vọng
Lời thơ theo bút tự nhiên trào...

Nghe như tiếng hát của hôm nào
Gió thổi sương lồng đỉnh núi cao
Cạn chén men nồng say với nguyệt
Đong dòng cảm xúc thỏa cùng sao
Trời mây non nước mơ rồi mộng
Chữ ái câu tình ước lại ao
Nửa kiếp tang bồng chưa mỏi bước
Kẻ thanh tao ắt tự thanh tao...

Jang Julo

*

LỜI BÌNH

Thơ Đường Luật thường bị cho là thể loại thơ gò bó, khó thể hiện được cảm xúc và sự bay bổng thăng hoa của thơ, nhưng với bài thơ PHIÊU LÃNG của tác giả Jang Julo chúng ta không còn thấy sự ép từ ngữ theo khuôn phép của thể thơ này nữa, ngược lại tác giả đã biết lợi dụng phép đối trong thơ Đường Luật để nhấn mạnh tôn nét đẹp của ý thơ. Đọc bài thơ Phiêu Lãng, tự nhiên thấy tâm hồn khoáng đạt, có lẽ vì chất "Phiêu" của bài thơ đã cho chúng ta bay bổng lên cùng những khát khao tác giả muốn gửi vào bài thơ.

Có nhiều người hỏi Minh Hien, thơ Đường Luật khó hiểu, có khi phải cần đến thông ngôn mới cảm nhận được. Xin thưa, thơ Đường Luật nói riêng và thơ nói chung không nhất thiết phải có một nội dung nào đó, mà chỉ cần bài thơ đó có truyền được cảm xúc sang cho độc giả hay không, và sự cảm nhận của mỗi người là khác nhau. Như khi chúng ta nghe một bản nhạc tiếng nước ngoài hay bản nhạc không lời, dù không hiểu nội dung nhưng những giai điệu đủ cho ta biết bản nhạc đó vui hay buồn thậm chí biết được cả đang nói đến điều gì. Hay như đứng trước 1 bức tranh trìu tượng, dù không rõ ràng họa sỹ vẽ gì nhưng càng nhìn càng thấy thích, đó là ta đã bắt được cái thần của bức tranh đó. 

Đúng như tựa đề tác giả đặt cho bài thơ, ở đây chúng ta bắt gặp chất "Phiêu Lãng" của tâm hồn đang vi vu lên tận đỉnh núi cao, nhịp điệu bài thơ tựa như nhịp bước chân dạo bước lên cõi thiên thai. Cuộc sống bận rộn, những khó khăn, những cố gắng để vươn tới một đích nào đó đôi khi làm chúng ta quên đi những phút giây thật đẹp của đời người, đó là những phút giây thư giãn, thả mình "phiêu" cùng cảnh sắc thiên nhiên. Những nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ... là người có tâm hồn nhạy cảm, họ thường rất dễ hòa mình vào cảnh vật. Chỉ là một ánh trăng, một cơn gió hay một chiếc lá rơi... cũng đủ làm tâm hồn xao động. Và chúng ta, những độc giả yêu thơ, khi đọc bài thơ đó lên cũng cùng nhịp đập trái tim người nghệ sỹ, để hòa chung cảm xúc cho ta yêu đời hơn, thấy được giá trị của cuộc sống. Các bạn hãy cùng Minh Hien "phiêu" với những tứ thơ của bài PHIÊU LÃNG mà tác giả Jang Julo đã mang đến Những Áng Bình Thơ:

Thức 1 của bài thơ dẫn chúng ta bay lên "đỉnh ngọn non cao", ở trên tầng không như tách biệt với cuộc sống ồn ào chỉ nghe tiếng "gió thét gào" "dải trăng vàng" "tầng mây xám", "ánh sao", "tiếng suối ngàn"... Nếu bạn chưa một lần từng đi núi, leo lên đỉnh mây bay xung quanh mình, bạn cũng sẽ cảm nhận được sự khoáng đạt, thanh thoát trong từng lời thơ mà tác giả Jang Julo truyền đến cho chúng ta. Còn nếu bạn đã từng trải nghiệm những phút giây đứng giữa trời đất bao la trên đỉnh núi, khi đọc những vần thơ này hẳn sẽ thấy thích thú vô cùng như được sống lại cùng phong cảnh thiên nhiên đó. Hoà trong cảnh thiên nhiên hữu tình, cặp thực tả một hình ảnh đẹp và lãng mạn khi nhìn từ trên cao xuống:

Xa xa bóng nước khơi làn sóng
Lấp lánh con thuyền hứng ánh sao

Toàn bộ thức 1 tác giả tả lại phong cảnh thiên nhiên trong cảm xúc dâng trào khi đứng giữa trời đất bao la. Câu cuối thức 1 kết thúc chính là lý do sáng tác bài thơ này "Lời thơ theo bút tự nhiên trào" Những áng thơ tự nhiên cứ tuôn chảy thành dòng mềm mại uyển chuyển... Đâu có thấy một chút nào sự gò ép niêm, luật, đối nữa, vậy nhưng tất cả đều rất chuẩn.

Sang thức 2 của bài PHIÊU LÃNG, ngoài cảnh bồng bềnh, lơ lửng trên tầng không, bắt đầu lồng thêm tâm trạng của tác giả

Tác giả như đang say với cảnh trời đất, thoát ra khỏi cuộc sống đời thường: 

Cạn chén men nồng say với nguyệt
Đong dòng cảm xúc thỏa cùng sao

Và không thể thiếu được trong chất men say đó là những mơ mộng, ước ao của tuổi trẻ, đó là "chữ ái, câu tình". Cái đẹp nhất, cao quý nhất mà thượng đế chỉ rành riêng cho con người, đó chính là "Tình ái", vì vậy trong cảnh trời mây lồng lộng một niềm mong mỏi chính đáng dâng lên trong lòng tác giả:

Trời mây non nước mơ rồi mộng
Chữ ái câu tình ước lại ao

Cùng đứng trước một phong cảnh tuỳ theo tâm trạng mỗi người, mỗi lúc sẽ hiện lên khác nhau, giá như lúc này có một tâm hồn đồng điệu cùng thưởng thức thì cuộc đời sẽ ngọt ngào biết bao. Cuộc sống là một chuỗi mơ ước, khát khao, những hoài vọng cho ta sức mạnh và tình yêu cuộc sống.

Bài thơ rất hay, nhưng ấn tượng nhất, để lại nhiều dư vị nhất cho Minh Hien là câu kết của bài thơ "Kẻ thanh tao ắt tự thanh tao". Đọc xong câu này, Minh Hien bỗng liên tưởng đến Truyện Kiều, trong đoạn kết Nguyễn Du có viết như sau:

Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao

Tuy nội dung hoàn toàn khác nhau, nhưng làm Minh Hien cứ trăn trở mãi về hai từ "thanh tao". Kiều cũng bảy nổi ba chìm, chịu đủ mọi nỗi nhục nhã nhưng người đời vẫn quý trọng, xót xa, cảm thông với nàng. Vì sao vậy? Phải chẳng bởi "Kẻ thanh tao ắt tự thanh tao"?!

Minh Hien

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét